Ý NGHĨA CỦA QUÁN ĐẢNH - DALAI LAMA - ĐẠI TOÀN THIỆN

Ý NGHĨA CỦA QUÁN ĐẢNH

DALAI LAMA - ĐẠI TOÀN THIỆN

“Những Giáo Lý Đại Toàn Thiện Giảng Ở Tây Phương”

-------o0o-------

Khi một quán đảnh được trao cho bạn, chính bản tánh của tâm bạn – Phật tánh – nó cung cấp một nền tảng dựa vào đó sự quán đảnh có thể làm bạn trưởng thành. Qua quán đảnh, bạn được truyền pháp để nhập vào tinh túy của chư Phật của năm bộ. Đặc biệt, bạn được “chín”, được trưởng thành trong bộ riêng biệt nhờ đó bẩm chất cá nhân của bạn đạt đến Phật quả.
Ý NGHĨA CỦA QUÁN ĐẢNH - DALAI LAMA - ĐẠI TOÀN THIỆN

Về quán đảnh, nói tổng quát, từ wang, hay quán đảnh có ý nghĩa là gì? Để bắt đầu, bản tánh nền tảng của chúng ta – cái mà chúng ta gọi là “Phật tánh”, hay tathagatagarbha (Như Lai Tạng), bản tánh chân thật của tâm chúng ta, là vốn hiện diện trong chúng ta như một thuộc tính tự nhiên. Tâm này của chúng ta, chủ thể sát cạnh, đã tiếp diễn suốt từ thời vô thủy, và như vậy có bản tánh vi tế hơn nữa của tâm này. Trên nền của sự tương tục của bản tánh ấy của tâm chúng ta, tồn tại khả năng để đạt đến giác ngộ. Tiềm năng này là cái chúng ta gọi là “hạt giống Phật quả”, “Phật tánh”, “bản tánh”, hay “tathagatagarbha”. Tất cả chúng ta đều có Phật tánh này, mỗi người và mọi người chúng ta. Thí dụ, tượng đức Phật đẹp đẽ này ở đây, trong sự hiện diện của nó chúng ta ngồi đây, là một tượng trưng tôn vinh người đã đạt đến Phật quả. Người ấy tỉnh thức thành trạng thái giác ngộ bởi vì bản tánh của người ấy là Phật tánh. Phật tánh của chúng ta cũng thế, và như Phật đã đạt đến giác ngộ trong quá khứ, trong tương lai chúng ta cũng có thể thành Phật.

Khi chúng ta đạt đến Phật quả vào một điểm tương lai nào đó, dòng tương tục vi tế của tỉnh giác của chúng ta sẽ tỉnh thức với một trạng thái toàn giác gọi là Pháp thân (dharmakaya). Bản tánh của tâm vào điểm đó là cái chúng ta gọi là tự tánh thân (svabhavikakaya). Nó hoàn toàn thanh tịnh bởi chính bản tánh sâu xa nhất của nó, sự kiện đó là một phương diện của tự tánh thân – phương diện của thanh tịnh toàn thể và tự nhiên. Sự kiện những che chướng ngoại sinh và tạm thời được xóa bỏ và không che ám thật tánh của tâm là một phương diện khác của tự tánh thân – phương diện những che chướng ngoại sinh và tạm thời được tịnh hóa.

Dù gì, thì ở trong tất cả chúng ta vẫn có tiềm năng này nó cho phép chúng ta thức tỉnh thành Phật quả và đạt toàn giác. Tiến trình quán đảnh kéo tiềm năng này ra, và cho phép nó tự biểu hiện đầy đủ hơn. Khi một quán đảnh được trao cho bạn, chính bản tánh của tâm bạn – Phật tánh – nó cung cấp một nền tảng dựa vào đó sự quán đảnh có thể làm bạn trưởng thành. Qua quán đảnh, bạn được truyền pháp để nhập vào tinh túy của chư Phật của năm bộ. Đặc biệt, bạn được “chín”, được trưởng thành trong bộ riêng biệt nhờ đó bẩm chất cá nhân của bạn đạt đến Phật quả.

        Thế nên, với những điều kiện tốt lành này được thiết lập trong dòng tâm của bạn, và khi bạn suy nghĩ về cái đang xảy ra và giữ gìn những quán tưởng khác nhau, những tình trạng tương hợp với tinh túy của sự quán đảnh khiến nó thức dậy ở trong bạn, như một trạng thái rất đặc biệt là sự bất khả phân của không gian nền tảng và tánh giác. Khi bạn tập chú sự sùng mộ của bạn theo cách này, nó cho phép phẩm tính đặc biệt này của tâm, khả năng mới mẻ này, thức dậy. Có ba yếu tố điều kiện hỗ trợ cho việc này – những đồ vật nghi lễ được dùng ở cấp độ bên ngoài, những thần chú được trì tụng nhiều lần bởi kim cương sư, và samadhi, hay nhập thiền định, của chính vị kim cương sư. Khi ba yếu tố này cùng phối hợp, chúng tạo thành một căn cứ trên đó tâm có thể tập chú, và như vậy có thể “chín”, trưởng thành.

        Vì những yếu tố này rất quan trọng, chúng ta sẽ khảo sát chúng kỹ hơn một chút. Những đồ vật nghi lễ bên ngoài, như cái bình v.v..., đã được sắp lên bàn thờ, và tất cả được đặt đúng chỗ. Về phần những thần chú, khi tôi không thể khẳng định là đã đọc tất cả chúng bằng tiếng Phạn thuần túy, tôi đã làm hết sức để học và trì tụng chúng. Thế nên cái quan trọng nhất khi nhắc nhở về quán đảnh là nhập thiền định. Về phần tôi, tôi sẽ làm điều mình có thể làm để duy trì một trạng thái samadhi, và cùng lúc mỗi bạn cần tập chú tâm các bạn, từng bước từng bước, vào những giải thích tôi sẽ nói ra, và hãy ở yên, càng nhiều càng tốt, trong một trạng thái tương tự của nhập định.

-------o0o-------

Trích “Đại Toàn Thiện – Những giáo lý Đại Toàn Thiện giảng ở Tây Phương”

Tác giả: H.H. Dalai Lama

Ban dịch thuật: Thiện Tri Thức

Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2007

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan